Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Năm 2019, doanh thu ngành in đạt hơn 96.000 tỷ đồng

Hội nghị trực tuyến “Xây dựng định hướng phát triển ngành in Việt Nam năm 2020” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 24/4 tại đầu cầu Hà Nội và những điểm cầu ở sở văn hóa các tỉnh.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chủ trì hội nghị.

Mở đầu, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết chương trình diễn ra trong lúc chúng ta đang vào nền kinh tế số, cần tìm hướng đi mới cho ngành in.

Ông yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tham gia thẳng thắn đưa ý kiến, đồng thời đề xuất, bàn về giải pháp phát triển ngành in.

In bao bì phát triển mạnh

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - trình bày báo cáo ngành in trong thời gian qua, đặc biệt là những số liệu năm 2019.

Theo số liệu đăng ký kinh doanh, cả nước có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động in, trong đó chỉ có 2.073 cơ sở in có giấy phép hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam chiếm 77,3%, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 13,7%, còn lại là doanh nghiệp liên kết.

Năm 2019, sản lượng ngành in khoảng 300 tỷ trang A4, tăng 5,4% so với năm 2018, đứng thứ sáu trong khu vực Đông Nam Á.

Doanh thu toàn ngành in năm 2019 đạt trên 96.000 tỷ đồng (khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2018). Lợi nhuận đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 10,7%, nộp ngân sách Nhà nước 2.313 tỷ đồng (tăng 10,4%).

Ngành in hiện nay cơ bản chuyển sang công nghệ hiện đại trong tất cả công đoạn sản xuất. Quá trình chế bản đã 100% số hóa.

Năm 2019, ngành sản xuất trên 4 triệu tấn giấy, tiêu thụ trên 5 triệu tấn giấy. Nguồn giấy in chất lượng cao phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Góp phần làm nên sự tăng trưởng ngành in là những bứt phá của khu vực in bao bì. TS Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in TP.HCM - nói sự tăng trưởng thị trưởng in bao bì là tất yếu.

Sau thời gian suy giảm, đến năm 2015, in xuất bản phẩm tăng 2% mỗi năm. In bao bì liên tục tăng trưởng, mỗi năm tăng khoảng hơn 6%. Tăng trưởng này đến từ nhu cầu của thị trường nội tại và đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp đến làm việc ở nước ta.

https://znews-photo.zadn.vn/w1024/Uploaded/oplukaa/2020_04_24/3_zing.jpg

Quy mô ngành in nhỏ, nhân lực chưa mạnh

Vui mừng trước bước phát triển, song ngành in vẫn còn hạn chế cần khắc phục.

Theo nhận định của Cục Xuất bản, In và Phát hành, quy mô ngành công nghiệp in nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Việt Nam đứng thứ 12 ở châu Á, thứ sáu ở khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á, ngành in Thái Lan có 5.000 doanh nghiệp, doanh thu 9,6 tỷ USD.

“Công nghệ in chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại, đặc biệt là chuẩn mực, hệ thống quản lý sản xuất và quản lý chất lượng”, ông Ngô Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, một số bất cập như nguồn nhân lực, chính sách in vẫn nặng nề nghiêng về hành chính. Nhiều cơ sở in xuất phát từ in xuất bản phẩm, đang chuyển sang in bao bì, chưa có chuyên môn hóa.

Một vấn nạn mà ngành in phải đối mặt là tình trạng in lậu. Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - việc đấu tranh chống in lậu gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực, kinh phí và thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ý thức bảo vệ bản quyền chưa cao của cả người tiêu dùng lẫn người sở hữu bản quyền. Thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng in lậu khi sử dụng công nghệ in hiện đại nhằm trốn tránh cơ quan chức năng.

Trong công tác nhân lực ngành in, ông Hoàng Vĩnh Bảo đặt câu hỏi: “Ngành in phát triển tốt, tại sao nhân lực ngành lại teo tóp?”.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhân lực ngành in chưa theo kịp công nghề, việc nâng cao tay nghề không chỉ do các cơ sở đào tạo ngành in, mà chính doanh nghiệp cũng cần xem xét.

Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam - cho hay nhân lực ngành in của ta sử dụng chưa hiệu quả.

"Chúng ta mất nhiều nhân lực, một máy in hiện đại, các nước khác chỉ cần 2 nhân lực, trong khi chúng ta mất 4 nhân lực vận hành”, ông Nguyễn Văn Dòng nói.

Số hóa ngành in

Thị trường in Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của khu vực và thế giới. Sự chuyển dịch thị trường in từ Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam vừa là cơ hội nhưng đặt ra không ít thách thức.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên nêu ra một số vấn đề cho ngành in. Việc mở rộng thị trường không chỉ với doanh nghiệp trong nước, mà còn mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho cơ sở in có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, 100% cơ sở in phải đặt ngoài các khu dân cư. Việc phát triển nguồn nhân lực cần được chú trọng. Công tác đấu tranh chống in lậu phải đẩy mạnh.



Việc số hóa ngành in đã bắt đầu từ rất sớm khi ứng dụng công nghệ thông tin. 100% quá trình chế bản đã số hóa, một phần quá trình in và thành phẩm đã được số hóa. Việc cần làm là đưa các thực thể ngành in vào môi trường thương mại điện tử, sử dụng big data.Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp giúp ngành in phát triển. TS Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội in TP.HCM - nói in ấn phải là ngành kinh tế số với việc gia tăng các giá trị cộng thêm, hướng tới chất lượng và dịch vụ.

Mô hình kinh doanh ngành in trên Internet như PrintGo là một dạng kinh doanh chia sẻ, một dạng kinh doanh giống Grab, Uber.

Cần ứng dụng công nghệ quản lý, công nghiệp 4.0 vào ngành in, trong đó tập trung việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông qua ứng dụng số hóa.

Ông Tuấn đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước đổi mới quản lý để theo kịp mô hình kinh doanh mới: Xuất bản theo yêu cầu, in theo yêu cầu; hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng doanh nghiệp thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng đòi quá trình đầu tư lớn.

Về nhân lực, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề xuất mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, để doanh nghiệp đào tạo cho mình và giúp doanh nghiệp khác. Ngày nay, đôi khi ta coi thường chứng chỉ, nhưng rõ ràng cần chuẩn hóa đào tạo, nhân lực lao động trong ngành.

Kết luận hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói ngành in có tiềm năng lớn. Chương trình có ý nghĩa như hội thảo vì các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý xây dựng định hướng phát triển ngành trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói: "Chúng ta phải có giải pháp phát triển ngành in trong thời cách mạng công nghiệp 4.0".

Ông đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu những đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội.

"Các đơn vị tiếp tục góp ý, theo hình thức gửi thư điện tử. Khi đưa ra mục tiêu, chúng ta nên dựa trên cơ sở thực tiễn, các con số thực tế. Chúng ta phải đổi mới tư duy ngay từ khi quy hoạch chiến lược, đảm bảo thực thi, đảm bảo chiến lược để doanh nghiệp phát triển", ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Nguồn: https://zingnews.vn/nam-2019-doanh-thu-nganh-in-dat-hon-96000-ty-dong-post1076957.html?fbclid=IwAR0uZTlhTFLzdOtmE8F-Dq9jZ6sszi8qSPjvfGKi1IX9x_Dk8LNu-mJoboc

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét